Kỹ thuật sản xuất

Posted by vuvy 09/04/2021 0 Comment(s)

1.An toàn lao động

Để đảm bảo an toàn lao động và tránh tai nạn xảy ra cho công nhân, mỗi ngành nghề có những quy định phòng ngừa tai nạn phải tuân thủ do hiệp hội bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp ban hành cho mọi công ty (Hình 1). Mọi nhân viên trong công ty phải lưu ý chính xác những quy định này. Làm việc một cách an toàn để tránh tai nạn là điều có thể học được. Cách làm việc không để ý đến an toàn lao động có thể gây ra bệnh tật, nguy hiểm cho cơ thể hoặc thiệt hại vật chất. Ai vi phạm những quy định phòng ngừa tai nạn nghề nghiệp trước hết gây nguy hiểm cho chính mình và sau đó cho đồng nghiệp cũng như gây thiệt hại cho máy móc và thiết bị của xí nghiệp

 

Các biện pháp tránh tai nạn nghề nghiệp có mục đích bảo vệ công nhân và máy móc để phòng ngừa thiệt hại xảy ra.

1.1 Dấu hiệu an toàn
Để đánh dấu một khu vực làm việc người ta dùng những loại dấu hiệu khác nhau.
 Dấu hiệu chỉ dẫn
Dấu hiệu chỉ dẫn có hình tròn nền xanh với hình vẽ trắng hiển thị biện pháp phòng ngừa cần thi hành (Hình 2).

Những dấu hiệu này quy định cách làm việc bắt buộc phải tuân theo. Thí dụ như ai làm việc ở một máy mài thì bắt buộc phải đeo kính bảo vệ mắt.
Dấu hiệu cấm
Dấu hiệu này cũng có hình tròn nhưng nền trắng với hình vẽ màu đen hiển thị việc cấm làm (Hình 3).

Người ta nhận biết biển cấm có viền đỏ và một gạch chéo màu đỏ. Thí dụ một chất lỏng hoặc khí có khả năng cháy cũng như khi trộn với những bụi nhỏ phân tán đều trong không khí có thể gây ra một hỗn hợp nổ. Những phòng làm việc chứa hoặc dùng xăng, acetylen hay bụi gỗ được coi là nguy hiểm có thể cháy nổ. Những phòng này phải treo bảng cấm đốt lửa, ánh sáng trực tiếp hoặc hút thuốc.
Dấu hiệu cảnh báo
Dấu hiệu cảnh báo có hình tam giác nền vàng mũi hướng lên trên với hình vẽ màu đen (Hình 1, Trang 83).

Thí dụ người ta phải treo bảng cảnh báo ở những nơi chứa chất độc hoặc chất ăn mòn để hướng dẫn rằng chỉ được xử lý những chất này một cách rất thận trọng với những biện pháp phòng ngừa an toàn tương ứng.
Dấu hiệu cấp cứu
Dấu hiệu cấp cứu có hình vuông hay hình chữ nhật, nền xanh lá cây với hình vẽ màu trắng (Hình 2, )

Những dấu hiệu này được dùng để chỉ đường cấp cứu hay nơi dễ nhận thấy để hộp cứu thương hoặc băng ca chở người bị thương. Để gia tăng an toàn lao động người ta treo ở chỗ làm những dấu hiệu chỉ dẫn, dấu hiệu cấm, dấu hiệu cảnh báo và dấu hiệu cấp cứu.
1.2 Nguyên nhân gây ra tai nạn
Tai nạn xảy ra vì sự không đáp ứng của con người, vì thiếu kiến thức về những mối nguy hiểm và bất cẩn cũng như không đáp ứng của kỹ thuật. Sự không đáp ứng của con người là không thể hoàn toàn tránh khỏi cho dù nhân viên được huấn luyện kỹ lưỡng. Qua việc dùng những thiết bị an toàn, thí dụ như rào cản, người ta có thể giới hạn được hậu quả tai nạn trong phạm vi nhỏ. Sự sai lầm kỹ thuật có thể xảy ra vì vật liệu bị mòn mỏi hay bị dùng quá tải mà không tiên liệu được. Nhưng ngay trong những trường hợp máy bị hư hỏng, thí dụ như khi lực kẹp hay thiết bị kẹp chi tiết gia công bị giảm sút, thì máy không được phép khởi động cũng như phải tự động tắt.
1.3 Biện pháp an toàn
Người ta phải tránh tai nạn bằng những biện pháp bảo vệ an toàn, bao gồm những biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra tai nạn, che chắn và đánh dấu khu vực nguy hiểm, cũng như ngăn chặn không để nguy hiểm xảy ra:
Nguy hiểm phải được loại trừ
Khi máy móc trục trặc phải báo ngay cho nhân viên chịu trách nhiệm biết. Phải giữ thông thoát đường xe chạy và đường cấp cứu. Không được để dụng cụ nhọn hay sắc trong túi quần áo. Không được đeo đồ trang sức, đồng hồ và nhẫn khi làm việc.
Khu vực nguy hiểm phải được rào cản và đánh dấu
Không được phép mang thiết bị bảo vệ, bảng chỉ dẫn và trang bị bảo vệ an toàn ra chỗ khác. Phải đậy kín các máy truyền động bánh răng, truyền động đai và truyền động xích. Phải đánh dấu và lưu trữ một cách an toàn các bình chứa chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất ăn mòn hay chất độc.
Nguy cơ gây nguy hiểm phải được ngăn chặn
Phải mặc quần áo bảo hộ để chống tia lửa bắn ra, hơi nóng, tiếng động và tia bức xạ. Dùng kính bảo hộ, kính chắn, nắp chụp bảo vệ và vỏ che để tránh nguy hiểm cho mặt và mắt. Cho máy móc và thiết bị làm việc điện người ta phải dùng những biện pháp bảo hộ đặc biệt (Trang 577). Tất cả mọi công nhân phải cùng suy nghĩ, cùng quan tâm, cùng tham gia thực hiện các biện pháp an toàn bảo vệ máy móc, thiết bị, quy trình sản xuất, trước hết là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân.





 

Leave a Comment